Chủ Nhật, 11/06/2017 07:27
Ngày 9/6 tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã diễn ra buổi báo cáo về Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.
Tại đây, anh Võ Đức Cường, giảng viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng, anh là một giảng viên và cũng là một phụ huynh nên rất áp lực về việc học của con.
Hàng tuần, hàng tháng, anh đều phải kiểm tra con học hành như thế nào. Mỗi lần như vậy, anh đều nhận được những câu trả lời buồn từ con; khi thì vấn đề liên quan đến dân chủ giáo dục, khi lại liên quan đến phương pháp giảng dạy.
"Thú thực, nhiều lúc tôi muốn đến gặp thầy hiệu trưởng dù biết phải xin mới được gặp thầy. Nhưng tôi lại nghĩ gặp thì được cái gì, có khi hại hơn lợi. Vì vậy, bài toán của tôi là trong cơn sốt đất vừa qua đã bán đi mảnh đất cho con đi học nước ngoài, dù rằng điều này khiến tôi thấy đau lòng và chúng tôi không muốn", anh Cường nói.
Về việc này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, không có quốc gia nào hoàn toàn hài lòng với nền giáo dục của mình.Về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới, anh Cường băn khoăn không biết kế hoạch tài chính thế nào. Theo anh Cường, một chương trình luôn đi kèm với một kế hoạch tài chính cụ thể, nếu không sẽ thất bại.
“Tôi không nghĩ giáo dục phổ thông nước mình kém, có rất nhiều em học sinh đi thi quốc tế và đạt giải cao, nhiều em ra nước ngoài làm trợ giảng cho những người nổi tiếng… Tôi lo là lo ở bậc đại học chứ không phải là bậc phổ thông”, GS Thuyết nói.
Về kế hoạch tài chính, GS Thuyết cho biết, chương trình vay của Ngân hàng thế giới 7 triệu USD, kinh phí được chia làm 4 phần gồm xây dựng chương trình; viết SGK; xây dựng 2 trung tâm đánh giá, khảo sát và bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.
Liên quan đến vấn đề du học, trước đó, theo Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên VBF), số lượng học sinh Việt Nam ra nước ngoài học hàng năm ngày càng tăng cao. Hiện nay, có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD mỗi năm.
Ước tính, người Việt Nam, mỗi năm chi khoảng 3 tỷ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế.
Tại Mỹ, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng du học sinh đông nhất tại quốc gia này trong năm học 2015-2016.
Top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có lượng du học sinh nhiều nhất tại Mỹ bao gồm Trung Quốc, Ấn ộ, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Canada, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil, Nhật Bản và Mexico.
Theo Vụ Giáo dục – Văn hóa và Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE), trong vòng 10 năm qua, số lượng học sinh, sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ đang tăng lên chóng mặt và chưa có dấu hiệu chững lại.
Thanh Giang (Tổng hợp)http://m.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giang-vien-dai-hoc-dau-long-ban-dat-cho-con-du-hoc-3337089/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét